Cách Xử Lí Bỏng Để Ngăn Ngừa Sẹo

Cách Xử Lí Bỏng Để Ngăn Ngừa Sẹo

Bỏng để lại sẹo là hệ quả có thể do tiếp xúc với một số hóa chất, tia UV hay tai nạn hỏa hoạn. Trong khi một số vết sẹo bỏng tự biến mất, những vết sẹo khác lại mất nhiều thời gian để chữa lành và thậm chí có thể trở thành một phần vĩnh viễn trên da. Vì vậy, cần phải biết cách xử trí bỏng để ngăn ngừa sẹo cũng như các bước ngay lập tức cần làm sau khi bị bỏng để tránh mắc phải những tổn thương tổn thương mất thẩm mỹ về sau

1. Tại sao sẹo hình thành sau khi bỏng?

Bỏng để lại sẹo là bằng chứng của các tế bào bị tổn thương và chết đi, sau đó da sản sinh ra một loại protein dạng sợi để tự phục hồi. Chất xơ này được gọi là collagen. Khi da lành lại, vùng tổn thương sẽ để lại những mảng da đổi màu, thường dày và được gọi là sẹo. Tùy thuộc vào độ sâu của vết bỏng, những vết sẹo này có thể là tạm thời và đôi khi là vĩnh viễn.

2. Các loại sẹo bỏng

Sự hình thành sẹo bỏng phụ thuộc vào các loại bỏng:

Bỏng độ một - Bỏng độ một thường liên quan đến lớp biểu bì bị tổn thương nằm khu trú trên bề mặt da. Người bệnh cũng có thể nhận thấy một số vết mẩn đỏ, đau và viêm tại chỗ.

Bỏng độ hai - Bỏng độ hai làm tổn thương cả hai lớp da đầu tiên. Điều này khiến da đỏ lên và bị viêm. Đồng thời, người bệnh cũng có thể rất đau đớn.

Bỏng độ ba - Những vết bỏng độ ba là những loại bỏng nặng hơn. Không chỉ làm tổn thương toàn bộ các lớp da, vết thương sau bỏng cũng có thể xâm nhập xuyên qua da để vào đến các mô và cấu trúc cơ bên dưới. Sau khi lành lại, sẹo bỏng của những vết bỏng này cũng có thể gây hạn chế cử động khớp.

Sau đây là các loại sẹo do bỏng có thể để lại:

  • Sẹo phì đại - Những vết sẹo này thường có màu đỏ hoặc tím. Chúng có xu hướng nổi lên trên bề mặt da và gây ngứa.
  • Sẹo co kéo - Những vết sẹo này thường làm căng da và cơ. Đôi khi một vết sẹo co rút nằm gần khớp còn gây cho người bệnh thấy khó khăn trong việc di chuyển.
  • Sẹo lồi - Những loại sẹo này tạo thành những vết sưng bóng, không có lông trên da

 

3. Điều trị vết bỏng như thế nào?

Phương pháp điều trị sẹo bỏng lý tưởng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và mức độ bỏng.

Đối với bỏng cấp độ một, cần thoa kem kháng sinh lên vùng bị bỏng. Điều này sẽ giúp vết thương nhanh lành hơn và cũng sẽ giảm bớt tình trạng viêm nhiễm cũng như cảm giác khó chịu. Đồng thời, cần sử dụng một miếng gạc để che vết bỏng lại để ngăn ngừa nhiễm trùng hay bụi bẩn từ bên ngoài.

Đối với bỏng độ hai hay độ ba, mặc quần áo nén có thể giúp chữa lành da nhanh hơn. Đây thường là những loại quần áo bó sát có thể phải mặc trong nhiều tháng cho đến khi vết bỏng lành lại. Một số trường hợp nặng nề thậm chí có thể đòi hỏi ghép da. Kỹ thuật này bao gồm việc sử dụng da từ một vùng khác trên cơ thể để che đậy vùng bị bỏng.

4. Các cách giúp cải thiện tình trạng sẹo bỏng

Dưới đây là một số liệu pháp hay phương pháp điều trị vết bỏng khác tập trung vào việc ngăn ngừa hình thành sẹo về sau:

- Liệu pháp Laser

Liệu pháp ánh sáng laser sử dụng tia UV để nhắm vào các mạch máu trong các mô sẹo dư thừa. Điều này có thể giúp làm giảm vết sưng và tấy đỏ liên quan đến sẹo bỏng.

Việc sử dụng liệu pháp laser là được thực hiện bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm trong các phương pháp điều trị xóa sẹo bằng cách sử dụng các phương pháp tương tự.

- Phương pháp áp lạnh

Kỹ thuật này sử dụng nitơ lỏng để đóng băng các vết sẹo đang phát triển. Vai trò của phương pháp áp lạnh có thể được sử dụng trên các vết sẹo lồi là giúp làm mềm cấu trúc tăng sinh này ra trước khi chúng hoàn toàn nổi lên bề mặt da gây kém thẩm mỹ.

- Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được sử dụng để điều trị sẹo bỏng nếu vết sẹo rất nổi bật trên da hoặc để đối phó với các trường hợp sẹo co rút, giúp cải thiện chuyển động.

Tuy nhiên, so với các can thiệp nêu trên, phẫu thuật có tính xâm lấn cao nên có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Dựa trên khuyến nghị của bác sĩ, người bệnh có thể chọn có tiến hành phẫu thuật hay không.

- Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện chuyển động ở những vùng bị co kéo sau vết bỏng. Đồng thời, việc khuyến khích cử động sớm sau khi vết bỏng vừa lành lại có thể góp phần giúp ngăn ngừa hình thành sẹo bỏng co kéo.

- Gel silicon

Những chất này giúp làm mềm sẹo một cách hiệu quả. Gel silicon có thể được sử dụng trên các vết sẹo đang lành nhưng không phải là vết thương hở. Đây là cách thức hiệu quả để ngăn ngừa sẹo bỏng và đã trở thành một phương pháp phổ biến trong thời gian gần đây.

- Kem dưỡng ẩm

Kem dưỡng ẩm có thể không giúp điều trị sẹo. Tuy nhiên, với những dưỡng chất cung cấp cho da, kem dưỡng ẩm có thể làm mềm sự xuất hiện của cấu trúc vết sẹo, qua đó gián tiếp ngăn ngừa sẹo bỏng.

Theo đó, kem dưỡng ẩm cần được sử dụng liên tục trong ba tháng với bôi khoảng 12 giờ mỗi ngày. Nên tham vấn bác sĩ da liễu về lựa chọn kem dưỡng da phù hợp với đặc điểm làn da cũng như vết sẹo của mình.

5. Làm thế nào để xử trí bỏng để ngăn ngừa sẹo hình thành?

Ngay sau khi vết bỏng xảy ra, cần nhanh chóng thực hiện các bước sau đây để giúp giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo bỏng vĩnh viễn về sau:

  • Rửa sạch bằng nước mát và để khô
  • Dùng thuốc mỡ kháng sinh
  • Che đậy khu vực này bằng cách sử dụng băng không dính và một miếng gạc sạch
  • Nhẹ nhàng kéo căng vùng da bị tổn thương mỗi ngày để lớp da non không bị dính vào nhau
  • Chống nắng cho khu vực bị ảnh hưởng trong vài tháng để ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời

Đồng thời, thường xuyên đến gặp bác sĩ cho đến khi vết bỏng lành lại hẳn. Nếu thấy vết bỏng xuất hiện mẩn đỏ, nổi bóng nước, mụn mủ hay chảy dịch, máu, mủ và không thấy có dấu hiệu lành lại thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

6. Các biến chứng liên quan đến vết bỏng

Nhiễm trùng

Vết bỏng là một vết thương hở cho phép vi khuẩn và các vi trùng khác dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu không được điều trị đúng cách. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhẹ hoặc nặng. Thậm chí, nhiễm trùng da tại vết bỏng cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu những vi khuẩn này xâm nhập vào máu và cũng có thể đe dọa tính mạng.

Mất nước

Khi bị bỏng da, hàng rào của cơ thể mất tính toàn vẹn nên sẽ dễ dàng mất đi một lượng lớn chất lỏng. Nếu không được điều trị, các vết bỏng cũng có thể gây mất nước.

Co kéo và hạn chế di chuyển

Tình trạng này thường là hậu quả của vết bỏng độ ba và sau đó vết sẹo bỏng thuộc dạng sẹo co kéo.

Nếu sẹo co kéo xảy ra trên vùng da rộng thì có thể khiến da bị căng ra. Biến chứng hạn chế di chuyển xảy ra khi sẹo co kéo gần các khớp.

Tổn thương cơ và mô

Bỏng nặng đôi khi có thể làm hỏng cấu trúc mô cơ bên dưới da và nếu trầm trọng có thể gây khiếm khuyết một phần cơ thể, gây mất chức năng vận động.

Tổn thương tâm lý

Sự xuất hiện của các vết sẹo bỏng hoặc bất kỳ biến chứng nào khác không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý - tâm thần của người bị nạn.

Lúc này, sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý nếu những vết sẹo bỏng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc trạng thái tinh thần là điều cần thiết.

Tóm lại, xử trí bỏng để ngăn ngừa sẹo là bao gồm điều trị vết bỏng theo phân loại và điều trị vết sẹo hình thành sau đó. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng vết thương do bỏng, tránh được các biến chứng của vết bỏng bao gồm co cứng, nhiễm trùng, các vấn đề sức khỏe cảm xúc, tổn thương cơ và mất nước, vấn đề cải thiện bỏng để lại sẹo cũng sẽ trở nên đơn giản hơn, nhất là với sự phát triển của các phương tiện can thiệp thẩm mỹ da ngày nay.

---------------------------
👩💻 Hỗ trợ - Tư vấn khách hàng BestCare:💻
☎ Hotline: 094.353.8008
🏢 Địa chỉ: 46 Nguyễn Thượng Hiền, Phường 1, Quận Gò Vấp, HCM. 

 

← Bài trước Bài sau →

Bình luận